Mắt là một trong những phần quan trọng, là chi tiết thể hiện thần thái ở tượng thạch cao. Để vẽ mắt mà có thể biểu đạt được cách nhìn của người vẽ cũng như chiều sâu của tượng thì trước tiên ta cần hiểu rõ được cấu tạo của mắt. Sau đây Zest sẽ chia sẻ cho bạn một vài tips để giúp bạn không còn bối rối ở những chi tiết phức tạp và cải thiện tốc độ vẽ mắt của mình.
1. Góc nhìn của mắt
Đa số những đầu tượng thường đối xứng ở hai bên. Vì thế ở góc chính diện, hai mắt sẽ có kích thước bằng nhau. Tuy nhiên, khi xoay đầu tượng về một bên, quy luật phối cảnh được áp dụng.
Xem thêm: 1 số lỗi về phối cảnh thường gặp
Ví dụ:
– Khi xoay tượng sang trái, góc 3/4, mắt trái của tượng sẽ di chuyển ra xa. Theo thứ tự độ lớn TĂNG dần ta sẽ có mắt trái < khoảng cách giữa hai mắt < mắt phải. (Trong hình a<b)
– Khi xoay tượng ở góc 1/2, nửa mặt bên kia bị khuất, do đó mắt còn lại không cần phải vẽ.
Lưu ý: dù xoay tượng ở bất cứ hướng nào thì độ cao của hai mắt luôn bằng nhau. Ta có thể kiểm tra bằng cách nối hai mi trên và hai mí dưới sẽ tạo thành hai đường thẳng song song với nhau vì có cùng độ cao c.

2. Mắt có tròng
Đối với mắt có tròng thì sẽ có những chỗ lồi lõm khác nhau. Nhưng những chỗ lồi lõm này đều theo một quy tắc nhất định. Ví dụ khi nhìn vào hình bên phải, bản thân mắt là một khối cầu nên những đoạn lồi lõm sẽ bám theo một trục hình vòm. Và cũng nhờ đó, khi ánh sáng chiếu tới, thì bóng đổ sẽ theo các cạnh lồi lõm của mắt mà gấp khúc theo.
Chú ý khi đánh bóng, chúng ta chỉ nên gợi tả, không cần quá tập trung đánh kĩ những chi tiết nhỏ trên mắt. Phải xác định được sáng tối lớn, bóng đổ và nhấn đường tối để rõ chính phụ trong bài hơn (Mắt thuộc ngũ quan – phần chính của tượng). Đối với bên mắt thuộc vùng tối, chỉ cần tả nhẹ, sắc độ không quá chênh lệch.

Xem thêm: 1 số lưu ý khi vẽ ngũ quan tượng thạch cao (phần mũi và mắt)
3. Đơn giản cấu trúc mắt
Để dễ hình dung và xác định sáng tối, ta đơn giản phần mi trên và mi dưới thành 3 diện (2 diện nghiêng và 1 diện chính diện). Tuy nhiên đối với tượng tròn, mắt không phân diện được rõ thì khi đánh bóng ta nên xác định đường tối và đánh chuyển sắc độ như khi đánh khối cầu cơ bản. Ngoài ra thành mi mắt dưới là diện ngửa nên sẽ sáng hơn thành mi trên.
Vì mắt có dạng khối tròn nên trục mắt sẽ không thẳng như thường lệ mà cong theo dạng hình cầu.
Mỗi giới tính, độ tuổi đều có những đặc điểm riêng, chẳng hạn như mắt nữ sẽ sử dụng những nét cong nhiều hơn, mắt người già thì phần đuôi mí sẽ sụp xuống và bọng mắt to hơn.

Tóm lại, mắt là một bộ phận bộc lộ được cảm xúc của vật thể. Cũng chính vì thế mà việc vẽ mắt đòi hỏi ta cần tìm hiểu nhiều hơn về những cấu trúc, chi tiết, góc nhìn khác nhau để có cái nhìn bao quát nhất. Zest hy vọng với những tips nho nhỏ như thế này có thể giúp ích được nhiều cho bạn trong quá trình học vẽ của mình!
Tham khảo thêm nhiều bài hướng dẫn vẽ tượng thạch cao tại: Tự học vẽ cùng Zest
Tác giả: GV Phương Nhi – Team Zest Luyện thi
Lưu ý: Bài viết thuộc sở hữu trí tuệ của Zest Art, nghiêm cấm sao chép nội dung và hình ảnh dưới mọi hình thức.