Với môn vẽ trang trí màu, bạn có bao giờ có thắc mắc làm sao để bài của mình trở nên thu hút, nổi bật hơn chưa? Đó là lí do nguyên lý thị giác ra đời. Nó giải quyết giúp bạn những vấn đề ở trên, làm sao để dẫn mắt người nhìn, cách tạo hiệu ứng cho bài màu để trở nên sinh động và có chiều sâu hơn,… Nhưng để hiểu và áp dụng được thì đó là một dấu chấm hỏi lớn với những ai khi bắt đầu với việc tiếp cận kiến thức này. Cho nên, hãy cùng Zest tìm hiểu Cách kết hợp Nguyên lý thị giác cơ bản vào trang trí màu nhé!
Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu nguyên lý thị giác là gì và nó có tác dụng trong bài như thế nào.
1. Nguyên lý thị giác là gì?
Nguyên lý thị giác là những quy luật sắp đặt các yếu tố trong bài để dẫn mắt người xem. Các yếu tố ở đây bao gồm mảng, đường nét, màu sắc, sắc độ, hướng, khoảng cách, độ lớn,… Các dạng nguyên lý thị giác cơ bản bao gồm:

- Đan xen – chồng lớp: Là cách sắp xếp các mảng chồng lên nhau để tạo sự liên kết, không để bài bị rời rạc.
- Hội tụ: Là làm các yếu tố tập trung lại một điểm và tản dần ra xung quanh để thu hút ánh nhìn người xem về một điểm đặc biệt.
- Nhịp điệu: Là sự nhắc lại, sự lặp lại có quy luật một cách có chủ đích của các hình dạng, hình khối, màu sắc, họa tiết, đường nét… để tạo nên sự thống nhất cho bài.
- Phát triển: Là làm cho yếu tố mảng miếng, đường nét có kích thước tăng dần tạo sự nhấn mạnh theo một hướng cố định.
- Cân bằng: Bao gồm đối xứng và bất đối xứng. Những hình ảnh thị giác có sức nặng khác nhau dựa trên màu sắc, kích thước, đường nét. Khi sắp xếp các yếu tố trong hình cần tạo nên sự cân bằng về thị giác để tổng thể bài trở nên cân đối và hài hòa.
- Điểm nhấn: Là điểm đặc biệt nhất cần người xem chú ý và tập trung vào nó. Điểm nhấn cần có sự liên kết với các thành phần khác trong bài chứ không đứng quá một mình.
2. Cách kết hợp nguyên lý thị giác vào bài trang trí màu
- Trong một bài vẽ, bạn càng thể hiện được nhiều dạng nguyên lý thì bài của bạn sẽ đạt được nhiều sự chú ý của người nhìn và bài cũng sẽ bắt mắt và nổi bật hơn.
- Để có thể áp dụng nguyên lý thị giác vào trong bài vẽ trang trí màu thì đòi hỏi rằng bạn phải có sự nỗ lực luyện tập quan sát và phân tích các dạng quy luật thị giác được dùng trong bài vẽ. Đồng thời, bạn cũng phải thử phác thảo và vẽ tay nhiều phương án để chọn ra được một cái tối ưu nhất, sử dụng được nhiều quy luật nhất trong bài trang trí màu.

- Ở ví dụ dưới đây là một bài trang trí màu thể hiện rõ nhất việc kết hợp 4 nguyên lý thị giác: Tăng tiến, Điểm nhấn, Nhịp điệu và Đan xen – chồng lớp
- Điểm nhấn: Tạo ra điểm đặc biệt nhất về sự đối lập sắc độ của đầu con sứa với sắc độ của mảng elip (đầu sứa sáng >< mảng tối, đậm)
- Đan xen – chồng lớp: Tạo từng mảng chồng lớp lên phần xúc tu để thể hiện độ xa gần, sự trong suốt và cũng tăng sự chi tiết cho họa tiết chính – con sứa
- Tăng tiến: Sử dụng các mảng tròn có kích thước từ nhỏ tới lớn để dẫn hướng mắt người nhìn đi từ nền vô trong con sứa
- Nhịp điệu: Các xúc tu được thay đổi kích thước và độ dài để tạo nên sự đa dạng về hình, tránh gây nhàm chán

Tuy nhiên, có những trường hợp mình không nhất thiết phải sử dụng tất cả, đôi khi lại có “tác dụng ngược” với bài vẽ của mình, cho nên hãy cẩn trọng khi kết hợp các nguyên lý trên vào bài mình nhé.
Trong quá trình học vẽ, chắc bất kì bạn nào cũng sẽ đều đặt ra câu hỏi làm sao để bài mình đẹp hơn. Nên với bài viết trên: Kết hợp các nguyên lý thị giác vào trong bài trang trí màu, Zest mong rằng có thể giúp các bạn phần nào biết thêm một số cách xử lý để cải thiện bài vẽ của mình. Và hãy nhớ rằng, không gì quan trọng bằng nỗ lực luyện tập của bản thân để trở nên tốt hơn, Zest xin chúc bạn thành công!
Tham khảo thêm nhiều bài hướng dẫn vẽ trang trí màu: Tự học vẽ cùng Zest
Tác giả: GV Thanh Ngân – Team Zest Luyện thi
Lưu ý: Bài viết thuộc sở hữu trí tuệ của Zest Art, nghiêm cấm sao chép nội dung và hình ảnh dưới mọi hình thức.