“Theo mình thấy đa số các bài trang trí màu là phần chính sáng, nổi bật trên nền tối, tại sao lại như vậy? Liệu có còn cách nào khác không?” Đây là câu hỏi mà có lẽ chúng ta đã từng suy nghĩ đến khi ôn luyện Trang trí màu cùng với nhiều câu hỏi khác đúng không? Do đó hôm nay chúng ta cùng Zest tìm hiểu về sắc độ nền trong môn trang trí màu nhé!
________________________________________
Trong Trang trí màu không có quy định về độ sáng – tối của hình chính và nền. Trên lý thuyết, có hai dạng sắp xếp sắc độ nền-chính và hai cách này đều làm điểm chính nổi bật và thu hút. Tuy nhiên từng loại có những đặc điểm khác nhau dẫn đến sự lựa chọn của người vẽ. Cùng nêu qua một số ưu điểm – khuyết điểm và một số bài mẫu của từng cách làm nhé!
NỀN TỐI NHẤN SÁNG
Ưu điểm:
– Rõ khung: Khi nền bài có sắc độ tối sẽ tương phản mạnh với nền giấy trắng, từ đó khung bài sẽ trở nên rõ ràng, dễ thấy những đường ke nét tỉ mỉ.
– Dễ tạo không gian: Nền tối và chồng nhiều lớp giúp bài có chiều sâu tốt hơn, khiến bài có không gian và được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên phải cộng thêm yếu tố chồng lớp và màu trong mới có hiệu quả tốt.
– Điểm chính (nhấn) dễ nổi bật: Do hình chính có độ sáng tương phản với nền tối, cộng thêm yếu tố cường độ mạnh (tươi) sẽ tạo hiệu ứng giống bóng đèn, dễ tạo sự nổi bật trong bài.
Khuyết điểm:
– Nền dễ bị “đen”: Khi quá sa đà vào vấn đề cho nền tối rất dễ pha nhiều đen hơn màu, gây ra tình trạng màu quá tối gần như đen trong bài, gây hiệu ứng lủng bài.
– Khó xử lý đề bài có tính “dễ thương, mộng mơ”: Tính dễ thương, mông mơ thường được liên tưởng tới các palette màu pastel, tươi, sáng, nên dùng nền tối nhấn sáng sẽ khó khi xử lý dạng đề này.
Xem thêm: Cách xử lý nền trong 1 bài vẽ trang trí màu
NỀN SÁNG NHẤN TỐI
Ưu điểm:
– Phần chính được tả khối mạnh hơn: Khi hình chính tối thì được dùng thêm nhiều sắc độ tối vào phần chính, từ đó hình chính có chiều sâu và dễ tạo khối 3D hơn.
– Độc lạ và ít người dùng: Ưu điểm tối ưu của dạng bài làm này là ít bài thi tương tự, do đó dễ nổi bật trong “rừng bài” nền tối nhấn sáng.
Khuyết điểm:
– Chính dễ bị đen và trầm: Do điểm chính tối nên dễ sa đà vào việc pha đen vào chính, làm điểm chính mất độ tươi, khó nổi bật.
– Khung tranh sẽ thiếu sự rõ ràng: Không gian trong bài bị dàn trải toàn bộ tờ giấy nếu xử lý nền không tốt và làm khung tranh mờ nhạt.
________________________________________
Qua những giải đáp trên các bạn đã hiểu lý do để chọn cách đi sắc độ như thế nào chưa nè? Tuy cách có nhiều nhưng chúng ta phải biết khôn ngoan trong việc chọn chiến thuật khi thi, và nhớ hãy luyện tập thật nhiều ở nhà vì khi đi thi bạn chỉ có một cơ hội duy nhất quyết định tấm vé vào cánh cửa ĐH của bạn, luôn nhớ điều đó nhé!
Bạn có thể tham khảo thêm các bài hướng dẫn vẽ trang trí màu tại: Tự học vẽ cùng Zest
Tác giả: GV Nhã Linh – Team Zest Luyện thi
Lưu ý: Bài viết thuộc sở hữu trí tuệ của Zest Art, nghiêm cấm sao chép nội dung và hình ảnh dưới mọi hình thức.