Trong các bài vẽ trang trí màu, thông thường sẽ có 3 thành phần: phần nền, phần trung gian và phần chính. Phần chính là phần người xem sẽ tập trung vào nhiều nhất. Sau đó sẽ đến phần trung gian và phần nền là cuối cùng.
Để một bài vẽ trang trí màu được nổi bật, thu hút người xem hơn ngoài yếu tố gam màu, cách điệu, bố cục. Thì việc xử lý nền cũng là 1 trong những yếu tố làm nổi hình chính, cũng như giúp cho tổng thể bài vẽ được hài hòa hơn. Bài viết này Zest sẽ hướng dẫn cho các bạn CÁCH XỬ LÝ NỀN CỦA MỘT BÀI VẼ TRANG TRÍ MÀU nhé!

1. Phần nền phải vẽ những gì?
Nền của mỗi bài trang trí màu cũng phụ thuộc vào yêu cầu đề bài đã cho. Đề bài sẽ gợi ý cho chúng ta vài từ khóa để xây dựng môi trường xung quanh vật thể chính.
Ví dụ: Trong bài có đề cập đến chữ “Rừng”, các bạn nên dùng phương pháp Sketchnote (cách ghi chép kết hợp giữa chữ viết và hình vẽ). Phác thảo các phương án nháp trước khi vẽ lên bài chính thức. Sketchnote lại những yếu tố liên quan đến rừng (lá, hoa, cây, cành, gió, đá…). Từ đó các bạn phát triển ý tưởng thành các mảng.

Các mảng nền nằm ngoài vùng tỷ lệ vàng (tỷ lệ chia 3) các bạn nên vẽ vừa đủ to để tạo hiệu ứng những vật thể ở gần chúng ta. Các mảng nền nằm trong vùng tỷ lệ vàng nên vẽ nhỏ lại, vừa đủ để tạo vài điểm nhấn cho nền cũng như bổ trợ cho hình chính được nổi bật hơn.
Lưu ý: khi hoàn thành phần vẽ bản nét, các bạn nên để xa bài, nhìn tổng thể và nhận xét bài qua các câu hỏi gợi ý sau:
- Tổng thể bài đã đủ mảng chưa?
- Ở nền có khu vực nào còn bị trống? Bị ngộp do quá nhiều mảng?
- Các mảng có bị quá to so với hình chính? Làm mất không gian nền?
- Những họa tiết nền đã được liên kết với hình chính hay chưa?

2. Vẽ nền như thế nào để tạo nổi bật hơn cho bài?
Không chỉ dừng lại ở việc vẽ những họa tiết đơn thuần liên quan đến yêu cầu đề bài. Mà các bạn nên lồng ghép vào đó một vài nguyên lý thị giác trong trang trí màu để tạo hiệu ứng tốt hơn cho bài vẽ. Để tạo hướng nhìn của người xem tập trung vào trung tâm bài vẽ. Những họa tiết ở nền nên có hướng đi vào trong bài, thêm nguyên lý thị giác (tăng tiến, nhịp điệu, chồng lớp đan xen…)

Lưu ý: Tránh việc lạm dụng quá nhiều yếu tố thu hút trong bài. Việc này sẽ dẫn đến khó khăn trong khi tô màu, xử lý sắc độ và không gian trong bài. Việc sắp xếp bố cục và tạo mảng nền kèm những hiệu ứng dẫn mắt người xem. Cần phải kết hợp hài hòa với nhau sẽ tạo nên tổng thể bài tốt. Vì vậy việc Sketch kỹ các phương án phác thảo sẽ giúp các bạn rút ngắn thời gian làm bì hơn.
3. Kết luận
Việc xử lý nền cũng khá đơn giản như cách bạn cách điệu một hình tượng nào đó! Chúng ta chỉ cần chú ý đến phần họa tiết. Xây dựng môi trường liên quan đến hình tượng chính của bài. Bên cạnh đó, chúng ta kèm thêm vài yếu tố của nguyên lý thị giác. Hay tạo hiệu ứng hướng nhìn dẫn mắt người xem tập trung vào phần chính của bài. Và nhớ lưu ý đến tổng thể bài, xem bài vẽ một cách khách quan để cân nhắc chỉnh sửa, tạo nên một bài vẽ thật tốt.

Tham khảo thêm nhiều bài hướng dẫn vẽ trang trí màu: Tự học vẽ cùng Zest
Tác giả: GV Hiếu Thuận – Team Zest luyện thi
Lưu ý: Bài viết thuộc sở hữu trí tuệ của Zest Art, nghiêm cấm sao chép nội dung và hình ảnh dưới mọi hình thức.