Vẽ ngũ quan tượng (tai – mắt – mũi – miệng) là giai đoạn tiền đề rất quan trọng để có thể vẽ được đầu tượng hoặc chân dung. Vì trên gương mặt của tượng/chân dung, ngũ quan chiếm vị trí rất quan trọng, là điểm chính của cả bài vẽ. Cho nên sẽ rất khó nếu chúng ta không hiểu rõ và đủ sâu nếu bỏ qua phần này. Trong bài viết, Zest sẽ hướng dẫn các bạn những kiến thức nền tảng không kém phần quan trọng của tai.
1. Cấu trúc tai
Cấu trúc tai rất phức tạp, vì có rất nhiều hình khối chằng chịt nằm đè lên nhau. Khi nhìn vào ta sẽ rất dễ bị rối. Để đơn giản hóa, ta sẽ phân bổ tai thành 3 phần chính: Vành tai, dái tai và gò vành tai – 3 phần này sẽ chiếm rất nhiều diện tích của tai.
– Vành tai: Là một cái vòng, có hình dáng móc câu cá bao quanh phần tai.
– Trái tai: Là một hình tròn nằm dưới cùng tai. Dái tai sẽ nằm ở dưới cùng tai.
– Gò vành tai: Là phần gồ lên bên trong tai, có hình dáng chữ Y.
Xem thêm: Lưu ý khi vẽ ngũ quan tượng phần mắt và mũi
2. Tỷ lệ tai
Tỷ lệ luôn gắn liền với yếu tố tạo hình, chỉ cần một sai lệch nhỏ nhặt nhất cũng sẽ khiến cho bài vẽ không giống với mẫu vật. Vì thế, để miêu tả hình thái của tượng/chân dung, việc phân định tỷ lệ sao cho chính xác, hợp lý là rất quan trọng.
– Đối với góc chính diện, chiều cao của tai sẽ bắt đầu từ chân mày -> chân mũi.
– Đối với góc ngang, chiều ngang của tai sẽ bằng ½ chiều cao tai.
Lưu ý: Kích thước của tai sẽ phát triển theo độ tuổi. Người càng lớn tuổi, tai sẽ càng to và ngược lại, em/trẻ nhỏ sẽ có kích thước tai bé.
Xem thêm: Lưu ý khi vẽ ngũ quan tượng thạch cao phần môi
3. Vị trí tai
Đối với góc ngang, tai sẽ nằm ở điểm kết thúc của xương hàm, thông thường sẽ nằm ở giữa sọ. Còn với góc chính diện, phần tai sẽ nằm giữa đoạn thẳng từ chân mày->chân mũi.
Đặc biệt: Khi vẽ ta sẽ phải chạm trán với định luật phối cảnh, việc này sẽ khiến cho vị trí tai thay đổi tùy thuộc vào góc nhìn của mẫu.
– Khi mẫu hướng xuống: Vị trí của tai sẽ nằm cao hơn đường chân mày và chân mũi.
– Khi mẫu ngước lên: Vị trí của tai sẽ nằm thấp hơn đường chân mày và chân mũi.
Để vẽ đúng và đẹp, ta cần phải hiểu và phân tích được đối tượng về tỷ lệ và cấu trúc. “Tai” tuy chỉ là một bộ phận ít được chú ý đến nhưng cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc mô tả đặc điểm riêng của mẫu vật. Zest hy vọng những kiến thức phía trên có thể trở thành một hành trang hỗ trợ các bạn trong quá trình học và luyện tập.
Học vẽ tại nhà với các tips vẽ do Zest chia sẻ: Tự học vẽ cùng Zest
Tác giả: GV Đức Trí – Team Zest luyện thi
Lưu ý: Bài viết thuộc sở hữu trí tuệ của Zest Art, nghiêm cấm sao chép nội dung và hình ảnh dưới mọi hình thức.