Những năm gần đây đề thi môn trang trí màu của các trường đại học không còn dừng lại ở những bố cục đơn giản như hàng lối, đối xứng… Mà thường hướng đến tính ứng dụng cao như trang trí poster, mảng tường, biển hiệu…Chính vì vậy, các dòng chữ chủ đề, cổ động cũng được lồng ghép vào đề thi một cách khéo léo hơn. Hãy cùng Zest bỏ túi một số lưu ý khi tạo hình chữ trong trang trí màu nhé!

1. Khi nào vẽ chữ?
Không phải đề thi nào cũng yêu cầu “chữ” trong bài nên các bạn lưu ý, khi đề xuất hiện dòng chữ “NỘI DUNG BẮT BUỘC PHẢI CÓ” thì vẽ chữ, vẽ đủ (không vẽ dư, không vẽ thiếu). Nếu không yêu cầu thì có thể không sử dụng.

2. Tạo hình chữ như thế nào?
Sau khi định hình vị trí cũng như hướng chữ, chúng ta nên tiến hành dựng phần khung chung bao bên ngoài theo dạng hình học (chữ nhật, cánh quạt…), tránh tình trạng chữ không đều, khoảng cách ngắn dài quá khác nhau thiếu sự liên kết.

Bắt đầu tạo hình chữ, các bạn nên vẽ kí tự thành mảng rõ ràng, điều này giúp cho chữ có độ dày nhất định, dễ ke nét trong quá trình tô. Không nên viết dạng chữ viết tay tô lên sau khiến chữ quá mỏng và bạn cũng không thể kiểm soát được những rủi ro khi tô màu.
3. Cách chọn font chữ
Về font chữ nên sử dụng font chữ rõ ràng, tránh các font chữ gây rối mắt và làm thay đổi câu từ của đề bài. Dựa vào chủ đề mà đề thi đã cho chúng ta sẽ cân nhắc sử dụng các font chữ phù hợp.
Ví dụ:
- Những chủ đề mang tính cổ động, nghiêm túc, ta sử dụng những font chữ mạnh mẽ, đơn giản, dễ tiếp nhận.
- Nhưng với những chủ đề mang hình ảnh dễ thương, ngọt ngào, font chữ lúc này không nên quá sắc nhọn, phức tạp, khó tiếp cận người đọc và khó liên kết với hình ảnh chủ đề hơn.

Trong quá trình tạo hình, có thể cách điệu chữ theo những hình ảnh liên quan để tăng tính đồ họa, sáng tạo, nổi bật hơn. Tuy nhiên khi cách điệu chữ theo hình ảnh, các bạn phải lưu ý rằng người đọc vẫn có thể biết đó là chữ gì, số mấy,… tránh tình trạng thay đổi đề bài như đã nêu trên.
Ví dụ:
- Lồng ghép con chuột vào chủ đề Canh Tí 2020, trái cây vào thực phẩm sạch…(sử dụng kí tự và hình ảnh có cấu trúc, hình dáng tương đồng lồng ghép để đạt hiệu quả cao hơn).

Xem thêm: Tương đồng, tương phản và hòa sắc trong trang trí màu
Đối với những đề chữ dài cần ngắt/xuống hàng, nên tránh ngắt từ 3 dòng trở lên và ngắt đúng ý nghĩa hoặc chữ nào thể hiện đúng chủ đề bài. Điều này giúp bài đi đúng trọng tâm, rõ ràng, mạch lạc.

4. Hoàn thiện bài
Hoàn thiện phần chữ với số lượng màu và sắc độ vừa phải, không tô quá nhiều màu cho chữ nếu như chữ là điểm phụ, nhưng cũng đừng đơn sắc quá nhé!
Thực tế không phải học viên trang trí màu nào cũng có thể xử lí, khai thác được hết phần “chữ” để chiếm được điểm số cao trong bài thi. Chính vì vậy, Zest hi vọng những lưu ý trên mà Zest đưa ra đã giúp ích một phần nào cho các bạn trong quá trình luyện thi vẽ trang trí màu.
Tham khảo thêm nhiều bài hướng dẫn vẽ trang trí màu: Tự học vẽ cùng Zest
Tác giả: GV Lan Anh – Team Zest luyện thi
Lưu ý: Bài viết thuộc sở hữu trí tuệ của Zest Art, nghiêm cấm sao chép nội dung và hình ảnh dưới mọi hình thức.