Tượng là một môn khá phức tạp nên khi vẽ, chúng ta không thể nào không tránh được các lỗi sai phải không nào? Vì vậy khi dạy, các giảng viên Zest đã rút ra được các lỗi sai chung, các lỗi sai mà đa số các bạn học viên hay mắc phải. Hãy cùng Zest tìm hiểu các lỗi sai này nhé.
1. Không dựng từ cái tổng thể trước
Khi bắt đầu một bài vẽ tượng, ta cần xác định tổng thể trước – là bố cục, khuôn hình tổng thể của tượng, bao gồm đường bao của cả đầu và bục tượng. Khi xác định các tỉ lệ đúng rồi mới bắt đầu vẽ các chi tiết ngũ quan sau, bởi vì vẽ ngũ quan trước sẽ mất thời gian rất nhiều để sửa lại bài khi bị sai bố cục hoặc những tỉ lệ lớn khác.
2. Chia tỉ lệ quá nhỏ
Chúng ta chỉ nên đo các tỉ lệ lớn, tỉ lệ chính, không nên đo tỉ lệ các chi tiết nhỏ như ngũ quan, chi tiết tóc. Việc đo quá chi tiết sẽ không những làm mất thời gian mà còn làm rối người vẽ. Ngoài ra, khi một vật quá nhỏ thì việc đo cũng không còn chính xác nữa.
Vì vậy, hướng làm đúng khi phác thảo một bài tượng là vẽ từ tổng thể đến chi tiết, đo và phác thảo cái lớn trước rồi vẽ chi tiết nhỏ sau.
Xem thêm: Lưu ý khi vẽ ngũ quan tượng thạch cao
3. Sa đà vào các chi tiết đường cong.
Khi bắt đầu vẽ các chi tiết ngũ quan của tượng, ta cần phác thảo bằng nét thẳng trước, dựng các khuôn hình chung, các diện cơ bản của ngũ quan trước rồi mới thêm các chi tiết đường cong của ngũ quan vào. Nếu bắt đầu từ các đường cong nhấp nhô trên ngũ quan trước sẽ dễ làm ngũ quan bị lệch lạc, không có hệ thống, khó hình dung được khối và cũng làm mất thời gian cho người vẽ.
Tương tự với ngũ quan, khi vẽ bục chúng ta cũng cần phải phác thảo khung hình lớn, phác thảo khối cơ bản của bục bằng các đường nét thẳng đơn giản trước, rồi mới chỉnh dần dần lại thành đường cong theo khung hình sẵn có. Việc vẽ đường nét thẳng và khuôn hình căn bản trước giúp người vẽ dễ đo đạc, chỉnh sửa và tiết kiệm thời gian hơn.
4. Kết luận
Tóm lại, các lỗi sai trên đều có một điểm chung: Đó là quá sa đà vào chi tiết mà không bắt đầu từ cái tổng thể. Đa số các bạn học viên hay bị phân tâm bởi các chi tiết của tượng mà quên đi các tỉ lệ lớn, khuôn hình chính mới là các quan trọng để giúp việc dựng hình hiệu quả, dễ dàng hơn. Vậy nên bài học rút ra là chúng ta cần vẽ từ “tổng thể trước, chi tiết sau”.
Mong rằng những kiến thức Zest chia sẻ sẽ giúp ích các bạn trong quá trình luyện tập và chinh phục ước mơ Đại học. Cùng Zest cố gắng nhé!
Bạn có thể tham khảo thêm các bài hướng dẫn vẽ tượng thạch cao tại: Tự học vẽ cùng Zest
Tác giả: GV Xuân Phúc – Team Zest Luyện thi
Lưu ý: Bài viết thuộc sở hữu trí tuệ của Zest Art, nghiêm cấm sao chép nội dung và hình ảnh dưới mọi hình thức.