Kỳ 2: Kết nối chỗ nào?
Nghe nói đi kí họa, hầu như mọi người sẽ nghĩ cắp sách vở đi học vẽ. Thế nhưng, đây đúng hơn là một hoạt động kết nối người và người. Nói thẳng ra là đi chơi cũng được.
Thay vì rủ rê cà phê chém gió, thôi ta rủ một đám “lông bông” đi kí họa, vừa bổ ích cho kỹ năng vẽ, vừa được tỉ ti tâm sự. Giữa những tâm hồn, cho dù là chỉ mới gặp gỡ, mà gần gũi lạ. Thời sự VTV hay nói về nạn “vô cảm” tràn lan giữa đô thị, thế nhưng thời sự đâu biết ở Kí họa sáng T7, chỉ có nồng nàn tình cảm mà thôi.
Một điều đặc biệt ở không gian được chọn lựa để ký họa, có thể là công viên, có thể là một vỉa hè, một bờ kênh, một bảo tàng… thế nhưng chắc chắn sẽ không thể nào là một căn phòng với 4 bức tường như trong lớp học. Ở một nơi cởi mở, mỗi người cũng sẽ cởi mở hơn, sẽ thoải mái với những tâm sự khó nói dù đó có là chuyện tình cảm riêng tư, chuyện điểm kém, chuyện lo lắng khi phải sắp thi hay chuyện chính trường. Không chỉ là cởi mở với nhau thôi mà còn là cởi mở với người lạ. Không đến mức phải vồ vập xin “người lạ” cho mượn một “bờ vai” nhưng cũng sẽ không lạnh nhạt, lờ đi như thói quen trong cuộc sống hối hả hằng ngày. Chưa kể, lão Bờm đôi khi còn trò chuyện với lũ kiến, tỏ ra thông cảm và tha thứ cho chúng dù lão mới bị cắn vào mông.
Khi mọi người cùng mở lòng, tức là chúng ta đã cùng tạo ra một chất gì đó gắn kết, nói cách khác là ta đã kết nối với nhau thành một tập thể. Khi bước đi cùng nhau ngày qua ngày, việc hiểu nhau sẽ giúp chúng ta ăn ý hơn trong công việc mai sau, nhờ đó mà Sân Đình đã có thể hoàn thành trong những ngày ngắn ngủi khi có sự góp sức của SV ZEST ART. Sức mạnh mà một tập thể mang lại thật là không lường trước. Trước hết, chúng ta hãy cứ gắn kết.
Quanh tuần, quanh tháng, quanh năm chúng ta phải mệt mỏi vì phải miệt mài theo đuổi, miệt mài chinh phục, thế thì hãy để sáng thứ 7 chậm lại, mở lòng mà cảm nhận nhiều hơn.
Không nói quá, KÍ HỌA SÁNG T7 LÀ KẾT NỐI CẢ THẾ GIỚI!