Nếu để định nghĩa thủy tinh là gì thì đại đa số chúng ta đều khẳng định đây là một loại chất liệu trong suốt. Nhưng vấn đề là nếu nó trong suốt thì làm sao để vẽ đây? Liệu có nguyên tắc nào để vẽ được một chiếc bình thủy tinh không? Bài viết hôm nay mình sẽ hướng dẫn các bạn vẽ lọ thủy tinh bằng màu nước, chỉ với 10 bước chúng ta sẽ có được một chiếc bình thủy tinh xinh đẹp.
Phần 1: Chuẩn bị họa cụ
- Màu poster (gouache hoặc bất cứ loại màu gốc nước nào các bạn thích nhé)
- Palette pha màu
- Bay lấy màu
- Chì
- Gôm
- Băng keo giấy
- Cọ (cọ dẹt, cọ đầu nhọn)
Đặt mua họa cụ tại: Zest Corner
Phần 2: Dựng hình
Bước 1: Chia giấy theo dạng ô lưới
Đầu tiên chúng ta sẽ chia tờ giấy ra làm 4 phần từ trên đếm xuống và 4 phần từ trái sang phải, khi đó chúng ta sẽ có một ô lưới 16 ô. Chiếc lọ của chúng ta sẽ nằm trong vị trí từ đường số 1 đến đường số 3 nhé.
Bước 2: Dựng hình
Tiếp theo chúng ta sẽ dựng sơ bộ hình dáng của chiếc lọ nhé.
Cổ lọ: Từ đường số 1 đến đường số 2, chúng ta sẽ vẽ một đường thẳng chia đôi đoạn này ra để xác định vị trí thắt của cổ lọ thủy tinh.
Đáy lọ: Từ đường số 2 đến đường số 3 chúng ta sẽ chia làm 5 phần bằng nhau, đoạn gần đáy nhất sẽ là vị trí đáy lọ.
Xem thêm: Các tips vẽ màu nước đơn giản cho người mới bắt đầu
Bước 3: Dựng hình chi tiết
Sau khi đã xác định được khung hình cơ bản của chiếc lọ rồi thì chúng ta sẽ bắt đầu vẽ thêm các chi tiết như nấc vặn ở cổ bình, bo nét lại cho chiếc lọ mềm mại hơn.
Phần 3: Tô màu
Bước 4: Lót màu
Ở đây mình chọn tone màu nóng là vàng cam nhạt để lót đều màu, ngoài ra các bạn có thể nhân lúc giấy còn ướt thì tô thêm một vài mảng màu cam để lớp nền lót của chúng ta có nhiều màu sắc hơn nhé.
Một tips nhỏ mình muốn giới thiệu với các bạn là “nguyên tắc chọn màu lót”:
Thông thường trước khi lót màu, các bạn nên xác định
- Bức tranh của các bạn có màu nào xuất hiện nhiều nhất (nhiều ở đây không phải là rõ ràng, màu đậm mà là sự ửng màu ở nhiều vị trí khác nhau)?
- Màu nhạt nhất (trừ màu trắng) là màu gì?
- Tone màu mà bạn muốn thể hiện là tone nào?
Vì sao cần xác định những vấn đề này?
Câu trả lời là theo nguyên lý, khi bạn lót màu gì cho tranh, thì những lớp màu tiếp theo cũng sẽ có sự ảnh hưởng (cộng hưởng màu) nhất định.
Ví dụ: Khi bạn lót màu vàng, dù cho bạn đợi màu khô thì khi bạn vẽ thêm một lớp màu đỏ lên trên thì bạn vẫn thấy được bài vẽ đang ánh màu vàng. Dựa theo sự ảnh hưởng màu qua lại như vậy thì việc xác định lót màu gì sẽ rất quan trọng, lớp màu này gần như quyết định tone chủ đạo của bức tranh là nóng hay lạnh. Nên trước khi tô lớp lót các bạn nên dành ra một chút thời gian để phân tích mẫu và chọn màu nhé
Bước 5: Tô nền
Sau khi đã lót màu xong thì chúng ta sẽ bắt đầu mix màu nền nhé. Ở đây mình dùng màu đỏ, xanh đen và vàng, các bạn có thể tô từng mảng màu tròn trước rồi blend màu sau.
Cách để blend màu poster:
Đầu tiên các bạn phải rửa sạch cọ đã nhé, cọ phải thật sạch thì chúng ta mới dễ blend màu, tránh cọ bị ám màu khác
Nguyên tắc để blend màu:
Khi bạn cần blend màu số 1 hòa với màu số 2, chúng ta sẽ pha màu 1 + màu 2 để ra được màu trung gian, sau đó dùng cọ sạch tô ngay đường ranh giới của 2 màu.
Ví dụ: Chúng ta cần blend màu đỏ với xanh đen, bạn sẽ pha màu đỏ xanh đen, sau đó tô ngay vùng ranh giới khi giấy còn ướt. Vậy là 2 màu đó đã hòa với nhau rồi.
Xem thêm: Hướng dẫn vẽ “lông vũ” bằng màu nước
Bước 6: Thêm chi tiết và hoàn thiện nền
Để vẽ ánh đèn thì sau khi đợi màu khô thì các bạn hãy pha một xíu màu trắng với màu vàng, sau đó dùng cọ đầu nhọn để vẽ những chấm tròn.
Lưu ý: Để tăng mức độ thú vị và thật cho bài thì các bạn có thể vẽ những chấm tròn có kích thước to nhỏ, đậm nhạt khác nhau hoặc dùng thêm màu cam hoặc đỏ nhạt để vẽ thêm nhé. Vì mặt bàn của chúng ta thuộc dạng thủy tinh có phản chiếu nên các bạn hãy vẽ màu tương tự như phần nền bên trên nha.
Bước 7: Xác định mảng sáng tối của chiếc lọ
Vì mẫu hôm nay là một chiếc lọ có dây đèn bên trong nên trước khi tô màu các bạn có thể dùng bút chì vẽ sơ một vài đường dây diện nhé, nhớ là dùng chì vẽ nhạt thôi. Vì chiếc lọ có chất liệu là thủy tinh nên phần lọ sẽ có màu sắc tương tự như lớp nền.
Vùng sáng của chiếc lọ này là nằm ở ngay giữa bình nên chúng ta sẽ lót một lớp màu xanh đen ở vùng ngoài của chiếc lọ nhé. Điểm dừng của mảng tối này là vị trí của đường dây điện.
Bước 8: Blend các mảng màu với nhau
Tiếp theo chúng ta sẽ áp dụng nguyên tắc blend màu mà mình đã giới thiệu ở bước 5 để blend các mảng sáng tối của chiếc lọ với nhau. Vùng sáng các bạn sẽ pha màu vàng cam + xíu trắng, vùng trung gian chúng ta sẽ cộng màu xanh đen vào tổ hợp màu vàng cam trắng.
Bước 9: Hoàn thiện sắc độ các mảng màu
Dùng màu trắng để vẽ các đường dây điện mà các bạn đã vẽ bằng bút chì ở bước 7. Các bạn đừng quên phần ảnh phản chiếu của lọ nhé.
Sau khi đã vẽ lại các đường dây điện rồi thì chúng ta sẽ ke màu lại những vị trí sát viền dây điện, bước này vừa chỉnh sửa nếu bạn lỡ vẽ đường dây điện bị sai, to, nhỏ… vừa để chúng ta hoàn thiện các mảng màu sao cho đúng sắc độ
Bước 10: Vẽ thêm một vài chi tiết và hoàn thiện bài
Để tả các vị trí phản quang của chiếc lọ thủy tinh thì các bạn có thể dùng màu trắng để vẽ ở viền miệng lọ, dọc thân lọ và những bóng đèn bên trong lọ nhé. Ngoài ra thì các bạn có thể dùng màu đen để nhấn tối một vài vị trí để chiếc bình của chúng ta có chiều sâu hơn.
Đây là 10 bước để các bạn có thể vẽ được một chiếc lọ thủy tinh mang đậm vibe Giáng sinh với tone màu: xanh – đỏ chủ đạo. Bên cạnh đó, hi vọng là các bạn có thể nắm được cách thể hiện một bức tranh với nhiều chi tiết có tính phản quang cao.
Học vẽ tại nhà với các tips vẽ do Zest chia sẻ: Tự học vẽ cùng Zest
Tác giả: GV Tường Vy – Team Zest Mỹ thuật người lớn.
Lưu ý: Bài viết thuộc sở hữu trí tuệ của Zest Art, nghiêm cấm sao chép nội dung và hình ảnh dưới mọi hình thức.