Buổi “Chuyện hướng nghiệp” đã được tổ chức tại “Sân Đình” – Zest Art L3 vào ngày 15.7.2018. Buổi trò chuyện đã có sự góp mặt của anh Bờm – phụ trách công tác định hướng tại Zest Art, anh Trí Núi – người sáng lập Zest Art, anh Tuấn – thủ khoa Kiến Trúc 2015, anh Khoa – trưởng khoa Mỹ Thuật tại Zest Art. Và đông đảo nhất là sự góp mặt của hơn 30 học viên Zest Art các khóa, cùng chia sẻ và trò chuyện với nhau về các vấn đề liên quan đến ngành nghề Kiến Trúc.
Buổi trò chuyện nằm trong chương trình đào tạo Luyện thi vẽ ở Zest Art. Với mong muốn những niềm đam mê nhỏ trở nên có định hướng hơn. Từ đó, động lực mới có thể đầy đủ và mãnh liệt nhất để chinh phục được cổng trường đại học.
Dưới đây là những ghi chép khái quát về buổi trò chuyện:
Phần 1
CÁC NGÀNH KIẾN TRÚC VÀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Chúng ta ngày hôm nay, ai cũng vì được xem là có năng khiếu vẽ mà tới đây.
Nhưng tại sao là kiến trúc sư ???
Điều gì đã làm các bạn chọn làm kiến trúc sư ???
Thế kiến trúc là gì ???
Tạm thời theo Bờm định nghĩa:
“Kiến trúc là một ngành tổng hợp kết hợp giữa khoa họa và nghệ thuật nhằm kiến tạo và xây dựng không gian phục vụ cho nhu cầu sống và định cư của con người…”
Và theo thời gian: hiện nay kiến trúc có 4 phân ngành nhỏ chính đi từ tổng thể cho tới chi tiết: kiến trúc quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, kiến trúc công trình và kiến trúc nội thất…
Thế kiến trúc học những gì?
Còn học những môn học ở cấp 3 chứ, có phải học như thời khóa biểu thời phổ thông không???
Có chứ, có những môn học học ở cấp 3 lên đại học vẫn phải học, và đã đi học thì phải có thời khóa biểu và giờ giấc rõ ràng. Nhưng có vẻ đa số trường đại học không gắt gao trong việc kiểm soát việc đi học của sinh viên, đồi hỏi sinh viên có tinh thần tự lập hơn. Những môn học chúng ta vẫn phải học của cấp 3 đó là gì, ở trường đại học kiến trúc là môn toán, toán cao cấp và một môn cực kỳ quan trọng đó là môn thể dục. hê hê
Thi tuyển đầu vào có môn vẽ thế vào trường vẫn được học vẽ chứ.
Vẫn phải học vẽ nhưng nếu các bạn nghĩ trường kiến trúc vào chỉ để học vẽ thôi thì các bạn nên suy nghĩ lại. Đúng là môn vẽ là môn cơ sở để bạn bắt đầu học kiến trúc, chúng ta sẽ học môn số môn như: hội họa để học về màu sắc, phối cảnh,… hình học họa hình học sâu hơn về thể hiện một vật thể không gian 3 chiều lên mặt phẳng 2 chiều giúp các bạn tiếp cận trong việc hiểu các bản vẽ kỹ thuật kiến trúc.
Nhưng những môn thực sự liên quan đến vẽ chỉ chiếm khoảng 30% vào những năm học đầu tiên và gần như chẳng thấy sự xuất hiện ở các năm sau trừ khi các bạn học lại…
Thế bạn nào quyết định vào kiến trúc chỉ đơn giản là vì mình thích vẽ, vào sẽ được học vẽ, và được vẽ nhiều thì nên suy nghĩ lại nhé.
Thế những môn học nào đã chiếm mất phần của môn vẽ.
Kiến trúc là ngành tổng hợp, để kiến tạo nên một căn nhà cần rất nhiều hoạt động khác nhau và nhiều bộ phận ngành nghề khác nhau và người kiến trúc sư gần như phải hiểu hết các bên liên quan để có thể gắn kết mọi thứ lại với nhau. Đầu tiên phải kể đến bộ 3 sát thủ gây buồn ngủ: Triết học Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối Cách mạng. Nghe tên thôi là thấy đã sát thủ rồi. Tiếp theo là những môn học có thể xem là không khác mấy kiểu môn học thời phổ thông nhưng khó nhằn hơn nhiều: cấu tạo kiến trúc, vật lý kiến trúc, cơ kết cấu, điện dân dụng, cấp thoát nước, nguyên lý thiết kế,… Không cẩn thận nhiều bạn phải dành kỳ nghĩ hè của mình để thoát nợ mấy môn học này đấy…
Và môn học quan trọng và nhiều khối lượng nhất ở trường kiến trúc: đồ án kiến trúc. Đây là một môn học mô phỏng gần hết các giai đoạn thực tế một công việc thiết kế công trình kiến trúc ngoài thực tế. Các bạn sẽ đi từ những công trình từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản cho đến phức tạp hơn và sẽ có một đồ án tốt nghiệp tương đương với luận văn tốt nghiệp ở các trường khác. Đây là môn học sẽ giúp các bạn hiểu thực sự thế nào là “lầy” và có những đồ án bạn sẽ gặp nó nhiều lần nếu như nó thực sự quý các bạn. Vâng, “lầy”, lầy là một trong những đặc điểm nổi bật không chỉ học trong trường và của rất nhiều người khi đã ra trường. Lầy thì cũng vui, cũng có những trải nghiệm thú vị nhưng nên cố gắng hạn chế lầy, vì thực sự lầy ảnh hưởng rất nhiều thứ đến chúng ta đặc biệt là sức khỏe.
Tạm thời, kể chuyện đi học thê đủ rồi.
Chúng ta bây giờ qua chuyện đi làm.
Kiến trúc sư làm những gì, làm trong môi trường công việc như thế nào, làm việc chủ yếu với công cụ nào,…
Ở đây, Bờm nói con đường thông thường của đại đa số mọi người khi bắt đầu với công việc kiến trúc sư. Một số người khác, họ có con đường riêng thì Bờm không nói tới. Nếu các bạn là một trong những người đó thì tự các bạn phải tìm hiểu rồi
Nói chung, công việc để thiết kế và xây dựng nên một công trình có rất nhiều nhưng đa số các bạn phải đi từ việc làm của một họa viên, các bạn phải học nghề trước.
Ở trường chỉ cung cấp cho các bạn các nên kiến thức cơ bản , các bnaj cần thêm nhiều năm học nghề nữa mới có thể hoàn thiện thêm chuyên môn của mình.
Công việc của họa viên của các bạn cơ bản là triển khai bản vẽ, trình bày hồ sơ thiết kế, dựng mô hình 3d từ những ý của cấp trên hoặc dựng mô hình thu nhỏ của công trình thiết kế.
Nếu may mắn, bạn có thể nằm trong một nhóm phát triển ý tưởng thiết kế và có vẽ công việc này thú vị nhất.
Về môi trường làm việc, môi trường làm việc kiến trúc đòi hỏi các bạn phải làm việc nhóm rất nhiều, mỗi công việc của mình đều có sự liên kết với các thành viên khác và các bộ phận khác chứ không phải một mình thỏa sức vẫy vùng như đồ án thời sinh viên. Chưa kể phải luôn luôn để bên tại những lời nói của sếp và khách hàng.
Một vấn đề nữa trong môi trường làm việc là các bạn chủ yếu làm việc trong môi trường văn phòng và gắn bó mật thiết với máy tính. Nếu dân IT lúc nào cũng đứng thứ nhất về việc máy tính kè kè bên mình thì kiến trúc sư chắc phải đứng thứ hai…
Ngoài ra các bạn lâu lâu cũng được ra ngoài khảo sát hiện trạng, giám sát thiết kế,…
Môi trường làm việc kiến trúc thực sự áp lực, vì đây là một nghề mang tính chất xây dựng nhưng lại có phần nghệ sĩ và đặc biệt kiến trúc sư có tính “lầy” trong người nữa thì càng khiến công việc càng khó khăn vào những giai đoạn cuối.
Và có những đêm, các bạn chỉ một mình ở văn phòng để giải quyết công việc của mình. Xung quanh chỉ có bốn bức tường khiến các bạn thêm căng thẳng, và những lúc máy treo hay cúp điện và các bạn phát hiện mình quên bấm Ctr + S thì lúc đó các bạn chỉ muốn hủy diệt cả thế giới.
Nhưng có phải vì thế mà các bạn nản lòng khi theo đuổi con đường kiến trúc sư.
Đúng là kiến trúc sư áp lực nhưng bù lại nó lại cho ta những thứ khác rất đặc biệt.
Khi xong một đồ án, xong một công trình thì cảm giác như mình trở thành một đứa trẻ. Gần như toàn bộ cơ thể mình được nghỉ ngơi và tái tạo lại hoàn toàn để chuẩn bị cho một công việc mới. Và niềm vui khi hoàn thành xong công việc không chỉ một mình hưởng thụ và nó được nhân lên nhiều lần với các thành viên trong nhóm và của khách hàng.
Ngoài ra điểm đặc biệt nhất là khả năng “tự sướng” của dân làm nghệ thuật trong máu kiến trúc sư dù công trình bạn thiết kế có nhỏ hay có to lớn thì cảm giác của bạn lúc hoàn thành đều như nhau. Các bạn đều cảm giác được vĩ đại như là kim tự tháp Ai Cập và có vẻ đẹp trường tồn như đền Parthenon. Nhưng điều quan trọng nhất là công việc của bạn đang góp phần đem lại niềm vui cho khách hàng của mình, góp phần giúp cuộc sống của mọi người tốt hơn và giúp thế giới này thêm phần tươi đẹp.
Zaha Hadid từng nói: “Nếu bạn muốn có cuộc sống dễ dàng thì đừng chọn trở thành một kiến trúc sư”.
Chúc các bạn may mắn và vững tin trên con đường mình đã chọn.
Trên đây là phần chia sẻ của Bờm, tiếp theo là phần của anh Trí Núi.
<Kết thúc ghi chép phần 1>
Đón đọc phần 2: Các ngành đào tạo tiên tiến của ĐH Kiến Trúc.