KỲ 2
Ở kỳ trước của bài chia sẻ chúng ta đã được nghe qua tâm sự về những khó khăn mà các bạn học viên gặp phải khi lựa chọn theo học những ngành năng khiếu cũng như những gian nan trong quá trình luyện thi vẽ. Nhưng mỗi bạn đều có cho mình cách để khắc phục và vượt qua những trở ngại đó, biến chúng thành động lực để tiếp tục phấn đấu đạt được mục tiêu. Kỳ 2 của bài viết lần này là, hãy cùng lắng nghe những kinh nghiệm mà các bạn ấy có được và rèn luyện, xem các bạn chuẩn bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng cùng với tâm lý tốt nhất để bước vào kỳ thi đại học thuận lợi như thế nào nhé.
Những bí quyết
Quá trình luyện vẽ của các bạn là một quá trình dài để học hỏi, là những lần sai và rút kinh nghiệm từ những lần sai đó. Để đạt được kết quả tốt nhất cho ngày thi, các bạn đã có cho mình những bí quyết làm bài để bản thân có thể làm tốt nhất và phát huy hết khả năng.
“…Hồi đi thi, em dựng hình rất lâu, 8 tiết thì đâu hơn 5 tiết là dựng hình, tại vì dựng hình là quan trọng nhất, phải thường để hình ra xa để ngắm nghía coi nó có hợp lí không, hơn nữa còn phải thuộc các khối cơ bản trên cơ thể người để dù cho người đó không có khối rõ ràng mình vẫn tả ra được. Bóng thì lên được sáng tối chung, lên toàn bài một lần, sau đó tả dần dần kĩ hơn, lúc nộp bài thì kiểu gì cũng đánh xong hết cả bài rồi, chứ lên riêng từng phần chắc em cũng nộp không kịp. Bố cục màu thì em nghĩ nên tìm tư liệu nhiều chút, để ra thi có trúng đề mình chưa làm bao giờ mình vẫn chế ra được. Em thường vẽ bố cục ngang với khoảng 4-5 người, cảnh vật phối cảnh của em cũng khá đơn giản, chủ yếu mình đi màu đẹp một chút. Em thì không thực sự rành cơ bản màu, thường là đi theo mắt nhìn. Nhưng mà luôn phải tính toán từ đầu mình sẽ đi tone màu gì, nhấn gì, chứ không nên đợi tới lúc vẽ rồi có gì tô nấy, tốt hơn là dùng ít màu thôi để hạn chế bài bị loạn. Nói chung em thấy cứ tô nhiều là sẽ biết tô và nét cọ cũng sẽ bớt loạn xạ…”
– Lưu Nguyên Thảo (lớp Mỹ thuật 2018)
“…Còn về tốc độ hoàn thành thì theo em nó chủ yếu phụ thuộc vào cảm hứng ví dụ như được tô màu tủ hay là khi có một bản vẽ chì ưng ý, những cái đó như tạo thêm động lực cho bản thân em với mong muốn được chiêm ngưỡng sản phẩm cuối cùng do mình làm nên. Mà để có động lực như vậy thì em đã phải từng trải qua nhiều bài vẽ không như ý muốn của mình, những lúc cố gắng làm nốt bài cũ để qua bài mới tốt hơn…”
– Đoàn Ngọc Thanh Ngân (lớp khối H 2018)
“…Trong phương thức làm bài thì em thấy chú trọng ở bước dựng hình, đây là cũng là bước em dành thời gian luyện tập nhiều nhất. Chính vì vậy để làm ra một bài đẹp thì trước hết phải đảm bảo được việc đo đạt kĩ càng, nhằm để tạo ra một hình đúng. Việc này theo em chỉ có thể đạt được thông qua luyện tập nhiều và nghiên cứu giải phẩu, để mắt nhạy với các đặc điểm của mẫu hơn…”
– Lê Vũ Gia Bảo (lớp Mỹ thuật 2018)
“…Khi học vẽ cuối giờ sẽ được các anh sửa bài và nêu ra những lỗi mình mắc phải, sau mỗi lần như vậy mình luôn luôn hạn chế để sau này không bị mắc phải lỗi sai tương tự nữa. Mình thường chụp lại mẫu tượng để đối chiếu so sánh với bài mình để tự tìm ra lỗi dựng hình của mình ở đâu; mình đối chiếu vs các bài mẫu để xem mình đánh bóng với tả cơ đúng chưa; mình cũng thường xem những bài vẽ trên Youtube rồi những bài mẫu trên mạng để xem cách họ dựng họ đánh như thế nào. Và qua tất cả mình sẽ xây dựng được cho riêng mình một cách dựng và cách đánh bóng riêng và phù hợp với bản thân…”
– Phạm Ngọc Gia Hoàng (lớp khối V 2017)
Tính chủ động
Có thể thấy tính chủ động trong cách học và sự tương tác với giảng viên hướng dẫn cũng như bạn bè xung quanh cũng phần nào giúp cho quá trình học của các bạn mau tiến bộ
“…Chủ động học cũng rất quan trọng, học qua bạn bè, học qua sách vở, hoặc hỏi những bạn học lâu hơn, giỏi hơn mình, cái đó giúp mình bổ sung nhiều kiến thức mà không phải lúc nào giảng viên cũng đủ thời gian để giảng hết cho mình, ví như em đã học cách vẽ đầu với thân mình qua 2 cái clip trên you tube, rồi áp dụng tới giờ luôn, mặc dù nghe tiếng anh cũng hông hiểu gì hết…”
– Lưu Nguyên Thảo (lớp Mỹ thuật 2018)
“…Đương nhiên để làm được một bài vẽ đẹp và có thể khắc phục những lỗi sai thì tương tác với giảng viên và sự chủ động cũng góp phần không nhỏ vào quá trình học của em, dần dần hai yếu tố đó đã rèn luyện được tính tự giác cũng như tạo cho em niềm vui mỗi khi lên lớp…”
– Đoàn Ngọc Thanh Ngân (lớp khối H 2018)
“…Tính chủ động trong việc học cũng rất quan trọng để người học ngày càng giỏi hơn. Đặc biệt trong việc tự tìm hiểu kiến thức bên ngoài về ánh sáng, giải phẩu,… việc này không chỉ cho mình dễ dàng hơn trong thực hành, mà còn có thể tạo sự thích thú và ít phị thuộc vào giảng viên hơn. Bên cạnh đó, việc tương tác với bạn bè trong quá trình học cũng có ích, tạo ra một môi trường thoải mái và thân thiện hơn…”
– Lê Vũ Gia Bảo (lớp Mỹ thuật 2018)
Vai trò người giảng viên
Cũng thấy rằng, người giảng viên góp phần quan trọng trong việc hướng dẫn và hỗ trợ các bạn hoàn thành tốt bài vẽ của mình. Ở Zest Art, hẳn các bạn đã học được nhiều điều từ những giảng viên của mình.
“…Trong thời gian em học thì chỉ có anh Khoa là thường xuyên sửa bài cho em. Ngoài chỉ em cách vẽ sao cho đúng và tiết kiệm thời gian thì anh còn chỉ tả thêm các khối cơ trên mặt để lấy thêm điểm…”
– Nguyễn Quốc An (lớp khối V 2018)
“…Giảng viên sửa bài trực tiếp cho em là anh Khoa, cũng là người ảnh hưởng đến cách vẽ, tô màu, lên bóng của tụi em nhiều nhất. Nhờ phương pháp xài khăn giấy chà chì của anh Khoa, em đã tô bóng trông có vẻ đẹp hơn hẳn lúc thi bài chì. Bài trông đậm hơn, đi cũng nhanh hơn hẳn mà lại không bị loang lổ như bình thường em hay đánh, có thể coi là đột phá để bài thi được 7đ…”
– Lưu Nguyên Thảo (lớp Mỹ thuật 2018)
“…Em dựng hình được nhanh là nhờ anh Tuấn luôn nhắc nhở về thời gian quy định cho việc dựng hình chỉ nên tốn nhiều nhất 1/3 thời gian và cách dựng của em là theo phong cách của lớp vẽ HAU, với Blackmethods mà em xem được trên Youtube. Cách đánh bóng của em là theo anh Thiện đánh nhẹ, nhuyễn và mịn. Còn cách tả bóng lên khối là nhờ anh Khoa. Em cảm thấy điều em tốt nhất là tả bóng tả khối và em khuyên các bạn đang học luyện thi hãy cố gắng luyện nét thêm vs xem cách đổ bóng tả khối ngũ quan qua các bài mẫu thêm ngoài những giờ học…”
– Phạm Ngọc Gia Hoàng (lớp khối V 2017)
“Dấu mốc”
Thời gian dài học vẽ bạn nào cũng sẽ có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Không ít bạn sẽ có những “dấu mốc đặc biệt”, khi mà các bạn gặp một sự tác động nào đó khiến cho bản thân có được tiến bộ lên vượt bậc.
“…Và trong thời gian học, lần giúp em có bước tiến vượt bậc nhất là lần em nhận ra rằng trước khi vẽ thì phải đo bề ngang và chia phần đầu tượng, trước đó em chỉ đo bề dọc và vẽ bừa. Thì nhờ lần đó em đã bớt sai hình đi rất nhiều…”
– Lê Vũ Gia Bảo (lớp Mỹ thuật 2018)
“…Em nhớ cột mốc làm em thay đổi mạnh mẽ nhất là một hôm đã có hai chuyện xảy ra với em. Thứ nhất là hôm đó em được anh Thiện sửa bài chung với hai bạn nữa, anh sửa hai bài kia trước thì cũng nói lỗi sai nhẹ nhàng thôi, xong tới bài em thì ảnh nói :” em muốn anh sửa sao nữa bây giờ, thôi về tự xem lại nha em chứ sai nhiều quá anh sửa cũng vậy thôi. Em ơi còn có 4 tháng nữa thôi tính ra cũng không nhiều đâu.” Lúc đó em buồn kinh khủng, xong khi về nhà chị em lại hỏi : ”Hôm nay được chấm điểm chưa hay vẫn chưa đủ trình để chấm nữa.” Và lúc đó em đã thật sự buồn và lo sợ khủng khiếp, điều đó thật sự thay đổi em…”
– Phạm Ngọc Gia Hoàng (lớp khối V 2017)
Chuẩn bị một tâm lý tốt
Và cuối cùng là thời điểm chín muồi, khi ngày thi tới, mỗi bạn đều chuẩn bị cho mình một tâm lý ổn định, thoải mái nhất để có thể bước vào phòng thi và thể hiện tốt nhất.
“…Em hồi đi thi luôn cầu mong cả lớp đều cùng nhau đậu năm nay, nhưng cũng không quá áp lực lên mình. Nếu rớt năm sau em lại thi, để cải thiện hơn trình độ của mình, tại cũng tự nhận thấy là mình chưa đủ giỏi vì mới học có 8 tháng thôi. May sao thi cũng khá khầm, chì 7 điểm còn màu 8.5. Nhưng số điểm này cũng chưa hẳn là năng lực thật sự của em…”
– Lưu Nguyên Thảo (lớp Mỹ thuật 2018)
“…Và cho tới lúc thi tuy những cái sai sót ấy vẫn lặp lại nhưng em biết rằng cần phải giữ cho mình một tinh thần thoải mái nhất, tạo cho bản thân một cái đầu lạnh luôn tỉnh táo trong mọi tình huống, kết quả dù thành công hay thất bại thì với em quan trọng nhất là mình đã cố gắng hết sức. Nhờ tập cho bản thân em tinh thần như thế nên em đã có một kết quả thi khá tốt với môn toán là 8 và văn là 6.5, mặc dù em nghĩ mình có thể làm được hơn thế, nhưng em vẫn rất hài lòng với những thứ mình đã đạt được trong kì thi vừa qua…”
– Đoàn Ngọc Thanh Ngân (lớp khối H 2018)
Vừa rồi là những chia sẻ rất chân thành đến các bạn học viên tiêu biểu của Zest Art. Các bạn đã rất xuất sắc và đạt được thành tích rất cao trong kì thi tuyển sinh 2018 vừa rồi. Zest Art xin gửi lời cảm ơn đến những chia sẻ rất nhiệt tình của các bạn cũng như gửi lời cảm ơn đến bạn Phạm Ngọc Gia Hoàng, bạn là thủ khoa vẽ trường Kiến Trúc năm 2017 với số điểm vẽ đầu tượng là 9,5 đó nha. Zest Art xin chúc các bạn sắp tới có được một năm học mới, bắt đầu ở giảng đường đại học mới, sẽ thật nhiều thuận lợi. Chúc các bạn sẽ luôn thành công ở những chặng tiếp theo trên con đường chinh phục ước mơ của mình nhé.
Xem BẢNG VÀNG ZEST ART 2018 – DS các học viên khối V, H điểm cao năm 2018
1 bình luận